Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Vẫn 3 chung, chưa có gì đột phá

Tuyển sinh ĐH, CĐ 2013: Vẫn 3 chung, chưa có gì đột phá
Theo lãnh đạo Bộ GDĐT, mùa tuyển sinh 2013 vẫn chưa có gì “đột phá”,
TS vẫn thi theo 3 chung (ảnh minh họa). Ảnh: T.Uyên
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vừa kết thúc, Bộ GDĐT đã lại rục rịch chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm 2013. Một số dự thảo về phương thức tuyển sinh mới ở các trường ĐH trọng điểm cũng đã hoàn tất, trình lên bộ.
Song, theo “ý tứ” của cấp lãnh đạo cao nhất trong ngành giáo dục, thì các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ từ nay đến năm 2015 vẫn tiếp tục theo phương thức “3 chung”, không có thay đổi lớn, nếu có chăng chỉ là những “chỉnh sửa” về mặt kỹ thuật để kỳ thi tối ưu hơn.

Chưa “đột phá”, vẫn tiếp tục “3 chung”

Mùa tuyển sinh năm 2013, bộ vẫn giữ thi tuyển sinh theo phương thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), không bổ sung thêm khối thi. Thời gian thi vẫn ấn định 3 đợt (2 đợt thi ĐH và đợt thi CĐ).

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, dự kiến nếu có chỉ là thay đổi về mặt kỹ thuật. Theo đó, các trường trọng điểm, trường năng khiếu sẽ được thí điểm tự chủ trong tuyển sinh. Đổi mới tiếp theo là mở rộng ưu tiên xét tuyển đối với những huyện nghèo và 20 huyện biên giới, hải đảo thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long không có trong danh sách huyện nghèo mà Chính phủ quy định, để tạo điều kiện cho thí sinh những vùng này có thể vào học ĐH. Ngoài ra, Bộ GDĐT mở rộng diện ưu tiên cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và xem xét để đưa vào Quy chế tuyển sinh năm 2013. Cũng theo chia sẻ của vị thứ trưởng này, năm 2013, bộ sẽ xem xét cho một số trường tuyển khối C, ngành xã hội nhân văn, năng khiếu được tự tổ chức thi riêng để thu hút thí sinh vào học. Tuy nhiên, vào thời điểm này, ý tưởng đổi mới của bộ cũng chỉ tạm dừng ở đối tượng là các trường năng khiếu và trường trọng điểm.

Tự chủ tuyển sinh: Sớm nhất là 2015

Với nền tảng cơ sở vật chất, nguồn lực hiện tại của hầu hết các trường “chủ chốt” thì phương án tuyển sinh 3 chung vẫn là “ổn” nhất – một chuyên gia tuyển sinh kỳ cựu trong công tác tuyển sinh của ĐH Quốc gia TPHCM nhận định. Quan điểm này được ông Nguyễn Trọng Giảng – Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa Hà Nội - một trong những trường ĐH trọng điểm đã được Bộ GDĐT đề nghị xây dựng phương án tuyển sinh riêng - ủng hộ. Vị hiệu trưởng này cho biết thêm: Phương án thì trường cũng đã xây dựng, nhưng để có thể thực hiện thì còn rất nhiều vấn đề phải giải quyết. Đây là những vấn đề bất cứ trường nào định thí điểm tự chủ tuyển sinh cũng sẽ gặp phải, ví dụ như Bộ GDĐT có cơ chế nào để điều phối kết quả của TS thi tại các trường ra đề riêng với các trường ĐH, CĐ còn lại trong hệ thống. Những câu hỏi được đặt ra đối với các trường, khi tự chủ tuyển sinh sẽ là: Có bắt buộc thi cùng ngày với các trường thi chung? Kết quả thi riêng có được công nhận và sử dụng như thế nào trong toàn hệ thống?

Những ý kiến này cũng nhận được sự “đồng thuận” cao của lãnh đạo ĐH Quốc gia Hà Nội khi cho rằng: ĐH Quốc gia Hà Nội đã xây dựng được phương án thi riêng, nhưng Bộ GDĐT phải giải quyết được vướng mắc về quyền lợi của TS khi đăng ký dự thi vào các trường thực hiện tự chủ tuyển sinh, thi riêng thì mới có thể áp dụng phương án này được. Bởi, sẽ có nhiều “gút mắc” phải tháo gỡ như: Nếu các trường tự chủ tuyển sinh, tổ chức thi cùng đợt với các trường thi “3 chung”, thì khi không trúng tuyển, kết quả thi có được công nhận để tiếp tục đăng ký xét tuyển không?

Gần như đồng quan điểm, song bằng cái nhìn “phản biện” PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa chia sẻ: Phương án tuyển sinh mới mà ĐH Quốc gia TPHCM vừa trình Bộ GDĐT, hoàn toàn không phải là thi 5 môn mà vẫn dừng ở 3 môn chính chủ chốt, những môn còn lại là xét tuyển dựa vào kết quả học ở bậc phổ thông. Việc thực hiện thêm các môn “xét tuyển” giúp giảm bớt tình trạng học lệch hiện nay. Ngoài ra, đề án mới còn “đề cao” và áp dụng những triệt để phương thức thi trắc nghiệm ở nhiều môn thi, nên sẽ giúp nhẹ nhàng việc thi cử của TS hơn. Cụ thể, TS sẽ thi hai môn toán logic và tiếng Việt (theo dự án của ĐH Quốc gia TPHCM gia tăng câu trắc nghiệm và chỉ kéo dài cao nhất 120 phút so với 180 phút như hiện nay). Tiếp theo đó, tùy theo khối thi, ngành thi mà TS chọn, các em sẽ dự thi thêm 1 môn đặc thù của khối, ngành. Ví dụ, với những ngành khoa học tự nhiên sẽ thi thêm một trong các môn lý, hóa, sinh tương thích với ngành cụ thể. Tương tự, lĩnh vực khoa học xã hội sẽ là sử hoặc địa. Còn khối D sẽ là ngoại ngữ... Riêng với các ngành học năng khiếu vẫn phải thi thêm phần năng khiếu. Tóm lại, phương thức tuyển sinh mới mà ĐH Quốc gia TPHCM hướng đến tiếp cận nền giáo dục, tuyển sinh hiện đại của các nước phát triển, giúp đánh giá năng lực toàn diện (bao gồm cả kiến thức lẫn kỹ năng cần thiết) của TS tốt nghiệp phổ thông cần đạt được để phục vụ thiết thực cho việc học tiếp theo ở bậc đại học.

PGS Nguyễn Hội Nghĩa đưa ra kiến nghị: Để đề án tuyển sinh riêng mà ĐH Quốc gia TPHCM đã hoàn tất sớm phát huy tác dụng, rất cần sự “ủng hộ” của Bộ GDĐT, thể hiện ở chủ trương khuyến khích nhiều trường thực hiện tự chủ tuyển sinh cũng như tạo cơ chế sử dụng chung kết quả giữa các trường để giúp TS có thêm nhiều chọn lựa, điều này đồng nghĩa với việc có thể hiện thực hóa chủ trương tự chủ tuyển sinh theo đề án mới của từng trường. Ngoài ra, việc bộ khuyến khích nhiều trường cùng thực hiện còn giúp các trường có thể chia sẻ “nguồn lực”, giảm gánh “đầu tư” cho công tác tuyển sinh... Còn với tình hình như hiện nay, đề án của ĐH Quốc gia TPHCM, sớm nhất đến năm 2015 mới có thể áp dụng – vị PGS này kết luận.
Theo laodong.com.vn

Đăng nhận xét

/