Bắt đầu thu phí thẻ ATM, phạt bán hàng giả, công nhận bảo vệ được hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ... là những nghị định bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay.
Bán hàng giả: phạt tối đa 70 triệu đồng
Theo nghị định 08 ngày 10/1/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (có hiệu lực từ ngày 1/3), tùy theo hành vi vi phạm, tính chất và mức độ vi phạm, đối tượng buôn bán hàng giả bị xử phạt 100.000 đồng đến 70 triệu đồng, đối tượng sản xuất hàng giả bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 100 triệu đồng. Người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Các loại hàng giả gồm có:
1. Hàng không có giá trị sử dụng, công dụng.
2. Hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa.
3. Hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại điều 213 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
4. Tem, nhãn, bao bì giả.
Từ ngày 1-3, các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt đối với các giao dịch nội mạng (giao dịch trên máy ATM của ngân hàng phát hành thẻ). Mức phí áp dụng trong năm 2013 cao nhất là 1.000 đồng/giao dịch, trong năm 2014 cao nhất là 2.000 đồng/giao dịch, từ năm 2015 trở đi cao nhất là 3.000 đồng/giao dịch. Dựa trên khung phí này, các ngân hàng thương mại sẽ xây dựng mức phí rút tiền mặt nội mạng trên ATM phù hợp với đặc thù của ngân hàng mình (theo thông tư 35 ngày 28/12/2012 của Ngân hàng Nhà nước VN).
Cấm xe ba, bốn bánh tự chế lưu thông trong nội đô TP HCM
Theo Quyết định 08 ngày 19/2 của UBND TP.HCM, từ ngày 1/3, các loại xe bị cấm bao gồm xe cơ giới ba bánh tự chế và xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế, không có đăng ký. Các xe đã đăng ký chỉ được lưu thông trong phạm vi quy định, không được đi vào khu vực trung tâm TP từ 5 giờ đến 13 giờ và từ 16 giờ đến 22 giờ hằng ngày…
Từ ngày 1/3, các loại xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ ba, bốn bánh tự chế không có đăng ký sẽ bị cấm lưu thông. Ảnh: Internet |
Ngoài ra, các xe cơ giới ba bánh thu gom rác thải phục vụ vệ sinh môi trường, đã được đăng ký, cấp biển số phải có hợp đồng với UBND phường, xã, thị trấn hoặc công ty công ích và chỉ được phép lưu thông trên các tuyến đường trong phạm vi được thu gom rác thải đến trạm trung chuyển; không được phép lưu thông trong giờ cao điểm sáng từ 6 đến 8 giờ và giờ cao điểm chiều từ 16 đến 19 giờ hằng ngày.
Cũng từ ngày 1/3, theo Nghị định 06 ngày 9/1 của Chính phủ, trong khi thi hành nhiệm vụ, nếu nhân viên bảo vệ cơ quan Nhà nước bị thương, bị hy sinh thì được xem xét và có thể được công nhận hưởng chế độ như thương binh, liệt sĩ và các hình thức khen thưởng khác theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng và pháp luật về thi đua, khen thưởng.
Trong tháng 3, nhiều nghị định khác cũng bắt đầu có hiệu lực:
Bỏ việc phải bồi hoàn học bổng
Theo quyết định 05 ngày 15/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc công dân VN ra nước ngoài học tập (có hiệu lực từ ngày 10/3), có những người đi học nước ngoài được nhận toàn phần hoặc một phần chi phí đào tạo, chi phí đi lại, sinh hoạt phí và các chi phí khác liên quan đến học tập từ ngân sách nhà nước thông qua các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước hoặc học bổng trong khuôn khổ hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa VN với nước ngoài hoặc với tổ chức quốc tế. Những trường hợp này nếu lưu ban, không hoàn thành chương trình đào tạo của kỳ học, năm học theo yêu cầu của cơ sở đào tạo nước ngoài hoặc bị phía nước ngoài ngừng cấp học bổng thì trong thời gian lưu ban, thời gian phải học lại, thi lại sẽ không được hưởng học bổng của ngân sách nhà nước. Việc cấp tiếp học bổng nhà nước do người có thẩm quyền quyết định sau khi lưu học sinh có kết quả các môn phải học lại, thi lại đạt yêu cầu hoặc được phía nước ngoài tiếp tục cấp học bổng.
Lưu học sinh nhận học bổng phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo trong các trường hợp sau đây:
Không tham gia khóa học khi đã đăng ký nhập học và đã được cấp kinh phí đào tạo.
Tự ý bỏ học, thôi học trong thời gian được cử đi đào tạo.
Không được cấp văn bằng, chứng nhận đã hoàn thành khóa học, trừ trường hợp bất khả kháng.
Bị đuổi học hoặc trục xuất về nước.
Bỏ việc hoặc tự ý thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian theo quy định hiện hành.
Không được sử dụng hộ chiếu công vụ đi nước ngoài với mục đích cá nhân
Theo quyết định 58/2012 của Thủ tướng, từ ngày 1/3 người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ không được sử dụng hộ chiếu đi nước ngoài với mục đích cá nhân.
Phải nhập ngũ dù đã trúng tuyển đại học
Từ ngày 7/3, công dân nhận được lệnh gọi nhập ngũ và giấy báo nhập học vào các trường trong cùng một thời điểm thì phải chấp hành lệnh gọi nhập ngũ và không thuộc đối tượng được xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Trong thời bình, công dân đang theo học khóa đào tạo tập trung đầu tiên nhưng nếu bỏ học để chuyển sang học khóa đào tạo của trường khác cũng sẽ không thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ.
Hằng năm, những công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định phải được kiểm tra, nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. Công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu tình nguyện thì có thể được tuyển chọn, gọi nhập ngũ.
Đây là những điều cần lưu ý trong Thông tư liên tịch số 13 ngày 22/1 của hai bộ Quốc phòng, GD&ĐT.
Theo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT ban hành tại Thông tư 02 ngày 30/1 của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/3, hai đối tượng được áp dụng hình thức tuyển thẳng vào THPT là học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú đã tốt nghiệp THCS và học sinh là người dân tộc rất ít người.
Đề thi và hướng dẫn chấm thi khi chưa được công bố được coi là bí mật Nhà nước độ “Tối mật” theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Tư vấn du học phải ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng
Theo Quyết định 05 ngày 15/1 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 10/3, tổ chức dịch vụ tư vấn du học chỉ được cấp giấy chứng nhận hoạt động khi đáp ứng đủ các điều kiện: có đủ nguồn lực tài chính để đảm bảo giải quyết rủi ro; có tiền ký quỹ tối thiểu 500 triệu đồng tại ngân hàng thương mại; người đứng đầu và nhân viên trực tiếp tư vấn du học phải có trình độ ĐH trở lên, thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và có chứng chỉ tư vấn du học do Bộ GD&ĐT cấp…
Theo Kienthuc.net.vn
Đăng nhận xét