Trang tin euronews ngày 19/2 có bài viết cảnh báo chứng nghiện mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng độc hại không kém nghiện rượu, thuốc lá khi góp phần hủy hoại sức khỏe và trí óc con người.
Khi bạn bấm nút like trên Facebook hay re-tweet trên Twitter,
một chất hóa học gọi là dopamine được tiết ra trong não, gây hưng phấn, bứt rứt, lo lắng... - Ảnh: Getty Images
Hai mạng xã hội Facebook và Twitter đã có số người dùng vượt 1 tỉ với mỗi mạng. Trung bình mỗi ngày có hơn nửa tỉ người bấm like trên Facebook, và với Twitter là 350 triệu lượt tweet.
"Ma túy" mới
Các nhà nghiên cứu tại đại học Chicago (Mỹ) năm 2012 đã phát hiện rằng mạng xã hội cũng gây nghiện hơn cả như rượu, thuốc lá.
...thật nguy hiểm khi bạn nghĩ chỉ cần lướt Facebook vài giây, phản hồi vài điều. Và sau đó từ vài giây bạn sẽ ở Facebook đến 30 phút”...
Theo đó, có những dấu hiệu cho thấy bạn là một kẻ nghiện mạng xã hội (thử kiểm tra xem nhé): dành hơn 5 giờ mỗi ngày để vào một trang mạng xã hội; triệu chứng nghiện nặng (vật vã, bức bối) khi rớt mạng hay trang mạng đó không truy cập được; đang lái xe vẫn truy cập mạng trên điện thoại di động mà không để ý đang lấn đường hay xe lủng bánh!
Các nhà nghiên cứu ở đại học Bắc Carolina (Mỹ) phát hiện rằng khi bạn bấm nút like trên Facebook hay re-tweet trên Twitter, lập tức có một chất hóa học gọi là dopamine được tiết ra trong não. Chất này có liên quan rất mạnh đến tâm trạng của con người như gây hưng phấn, bứt rứt, lo lắng.
Những người tham gia cuộc nghiên cứu của đại học Chicago năm 2012 thừa nhận họ trong thâm tâm không muốn dành quá nhiều thì giờ cho các trang mạng xã hội vì làm xao nhãng công việc của họ, nhưng rất khó để mà thoát ra khỏi các mạng đó.
Fox News ngày 21/2 dẫn nghiên cứu tương tự của trường y, đại học Stanford (Mỹ) cho biết những người bị trầm cảm, bị những chứng liên quan đến rối loạn cũng như ám ảnh xã hội thì có nhiều khả năng bị nghiện internet.
Với trẻ em, việc nghiện internet, nghiện mạng xã hội thì gia tăng các triệu chứng trầm cảm, gặp các vấn đề về học thuật và xã hội, và có nguy cơ bị bệnh thể chất và béo phì.
Nghiện mạng xã hội được xem là gây độc hại hơn cả nghiện rượu, thuốc lá - Ảnh: Flickr
Ước tính 1/8 người Mỹ đang bị nghiện thứ “ma túy” mới này.
Những người nghiện mạng xã hội, khi không vào internet thì vật vã bứt rứt như con nghiện bị thiếu thuốc, theo một nghiên cứu chung của đại học Swansea (Anh) và đại học Milan (Ý), tạp chí Time đưa tin ngày 19/2.
Việc dành quá nhiều thì giờ truy cập internet sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần, cuộc nghiên cứu này cảnh báo.
Cai nghiện không khó, nếu quyết tâm
Tại bệnh viện Tavistock & Portman ở đông bắc London (Anh), bác sĩ Richard Graham cho biết mỗi năm ông điều trị khoảng 100 bệnh nhân bị nghiện từ game đến internet, độ tuổi từ thiếu nhi đến người lớn 35 tuổi.
“Những bệnh nhân này bắt đầu với việc bỏ qua hay quên làm những việc cơ bản cần thiết cho cuộc sống, như chăm sóc bản thân. Rồi họ không ăn uống, không ngủ nghỉ, tránh gặp mặt mọi người và thậm chí bỏ học, bỏ làm việc”, bác sĩ Graham nói.
Các thiếu nữ tuổi teen dễ bị nghiện mạng xã hội nhất, vì chịu áp lực từ những fan của họ và từ nhu cầu muốn được mọi người nhìn thấy mình trên mạng - Ảnh: Flickr
Cũng theo bác sĩ Graham, các thiếu nữ tuổi teen là nhóm đối tượng dễ bị nghiện nhất, vì nhóm này chịu áp lực từ những fan của họ và từ nhu cầu muốn được mọi người nhìn thấy mình trên mạng!
Muốn cai nghiện mạng xã hội, đòi hỏi phải dứt khoát tiết chế và có thời gian biểu cho các hoạt động.
Cô Gemini Adams, viết truyện tranh, là một trường hợp tự cai nghiện mạng xã hội thành công. Cô năng tập yoga, mỗi lần dùng Facebook không quá 30 phút, và một lần trong tuần cô không động đến internet suốt 24 giờ.
“Tôi làm việc ở nhà và với tư cách nhà văn, tôi cần tra cứu nhiều trên mạng. Cứ viết 20 phút thì tôi lướt Facebook để kiểm tra vài thứ trên đó. Nhưng thật nguy hiểm khi bạn nghĩ chỉ cần lướt Facebook vài giây, phản hồi vài điều. Và sau đó từ vài giây bạn sẽ ở Facebook đến 30 phút”, cô Adams chia sẻ.
Những dấu hiệu cho thấy bạn là người bị nghiện mạng xã hội:
- Dành hơn 5 giờ mỗi ngày để vào một trang mạng xã hội.
- Vật vã, bức bối khi rớt mạng hay trang mạng đó không truy cập được.
- Đang lái xe vẫn truy cập mạng trên điện thoại di động mà không để ý đang lấn đường hay xe lủng bánh!
Theo Xahoithongtin
Đăng nhận xét