Việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay rất tùy tiện, tạp nham, cẩu thả. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ "tuổi teen" không tác động lớn đến đời sống và sự học hành của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại và khá nghiêm trọng.
Ngôn ngữ "tuổi teen", kiểu "sát thủ đầu mưng mủ" đang được giới trẻ tôn vinh, cho là hàng... sành điệu. Nhưng càng "sành điệu" bao nhiêu thì tiếng Việt lại càng bị bám bụi bẩn bấy nhiêu. Phải chăng nước Việt Nam văn hiến ngàn năm giờ đã, đang và sẽ xuất hiện một tầng lớp mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng ví von là "một lũ lai căng"?
Tiếng Việt đang bị "méo mó"?
Theo Karl Marx, chính lao động đã tạo ra ngôn ngữ. Bởi nhờ có ngôn ngữ con người mới có thể truyền tải kinh nghiệm, tập hợp được lực lượng sản xuất và khiến hoạt động lao động của con người được thực hiện nhịp nhàng, ngày một tinh vi hơn.
Người Việt cổ có nguồn gốc bản địa cũng nhờ lao động mà phát sinh ra ngôn ngữ của chính mình. Bởi thế những công trình thủy lợi (Sơn Tinh, Thủy Tinh) và công cuộc chống ngoại xâm (Thánh Gióng) của người Việt cổ bao giờ cũng có sức lan tỏa nhanh chóng và hiệu quả đến toàn thể cộng đồng, tạo nên bản sắc văn hóa của người Việt cổ.
Nhà nước Văn Lang ra đời chứng tỏ người Việt cổ cũng đã có chữ viết dù cho đến hiện nay vẫn chưa tìm ra được chứng cứ tin cậy chứng minh về điều này. Tuy nhiên nếu đã có Nhà nước thì phải có chữ viết để điều hành các công việc hành chính (như trong truyện Thánh Gióng có sứ giả đi từng làng truyền tin vua Hùng cầu hiền tài giúp nước). Nói dông dài như vậy cũng là để chứng tỏ cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của người Việt, tiếng mẹ đẻ đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn bản sắc của dân tộc.
Sau này, không biết vì lý do gì, tiếng Việt cổ không còn được sử dụng hoặc đã trở thành một "văn tự chết". Nhưng dù tầng lớp trí thức sử dụng chữ Hán hoặc chữ Quốc ngữ như hiện nay thì tiếng mẹ đẻ vẫn đứng vững trong lòng dân tộc. Đến nỗi mà những từ như áo dài, bún bò không thể dịch ra nghĩa khác ở các cuốn từ điển nước ngoài mà chỉ là AO DAI và BUN BO.
Tiếng Việt giàu và đẹp chính là vì nó đã trường tồn sau lũy tre làng suốt 1000 năm Bắc thuộc, không bị bẻ cong bởi chữ Hán, chữ Pháp và Anh ngữ trong một thời gian khi các thế lực ngoại bang thực hiện sự "đồng hóa" văn hóa. Chính tiếng Việt đã tạo nên sự đậm đà, sâu lắng cho tâm hồn người Việt Nam thêm ý nhị, một dân tộc yêu thơ, văn và lao động cộng đồng.
Nhưng trong đời sống hiện đại, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cũng đã chỉ ra, nhiều biểu hiện sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, xu hướng lai căng, "lạm phát" sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.
Sự "sáng tạo" một cách vô nguyên tắc, tạo ra xu hướng quái dị, kì quặc trong sử dụng ngôn ngữ, thậm chí là đi ngược lại với đạo lý truyền thống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cũng là một cách thể hiện sự sa sút về nhân cách.
Không chỉ là các bạn trẻ thế hệ 8X, 9X còn nông nổi, bồng bột, thích cái mới lạ, khác người, thích "cá tính", mà ngay cả các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn, "ô nhiễm" của đời sống ngôn ngữ.
Ảnh minh họa
|
Ngôn ngữ "tuổi teen": Phá cách quái dị!
Sự nghiệp đổi mới và hội nhập sâu rộng quốc tế đã tạo cho Việt Nam nhiều thời cơ và bên cạnh đó, tạo ra nhiều thử thách. Đối với tiếng Việt thì đó là nguy cơ bị hòa tan, trộn lẫn với những ngôn ngữ quốc tế và ngôn ngữ "phá cách".
Trong giao tiếp hiện nay, thay vì nói "đồng ý" thì nhiều người lại dùng từ OK. Thậm chí việc sử dụng tiếng Anh thuần nhất trong giao tiếp cũng khiến cho những người Ăng - lê xứ sương mù cũng phải lắc đầu ngao ngán. Chẳng hạn thay vì nhắn tin là Good night (Chúc buổi tối vui vẻ) thì giới trẻ Việt giờ đây chỉ nhắn là g9.
Từ g9 được giới trẻ hiểu ngầm là Good night. Nhưng nếu phân tích thì nó lại là một từ viết tắt không chính xác và khá... khôi hài. Bởi g thì có thể là good nhưng 9 thì nào có phải là night (bởi 9 là nine).
Chỉ bằng một ví dụ như vậy ta đã thấy được việc sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay rất tùy tiện, tạp nham, cẩu thả. Nhiều người cho rằng ngôn ngữ "tuổi teen" không tác động lớn đến đời sống và sự học hành của thanh thiếu niên Việt Nam hiện nay. Nhưng sự thực hoàn toàn ngược lại và khá nghiêm trọng.
Chẳng hạn, một học sinh tin học đoạt giải đã trả lời email một phóng viên như sau: "><jn lÔo~j méy hem ney 3m b4.n thj wóa, hok kó tjme tr4? loj* em4jl". Nhìn vào đây thì anh chàng phóng viên cũng lắc đầu, không thể hiểu nổi nghĩa của những ký tự bí ẩn này. Nhưng câu giải mã "bí ẩn" này lại là: "Xin lỗi mấy hôm nay em bận thi quá không có thời gian trả lời email".
Những đoạn "ngôn ngữ @" được phần mềm V2V dịch lại
|
Cũng vì hiện tượng này nên Dương Đăng Trúc Khuyên, một nữ sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đã viết nên phần mềm dịch ngôn ngữ @, đặt tên là V2V (Việt sang Việt). Thế nhưng phần mềm V2V vẫn không theo kịp tốc độ biến dạng của ngôn ngữ teen.
Bởi càng về sau, các teen càng có nhiều cách dùng quái đản. V2V phiên bản đầu không dịch chính xác được, buộc tác giả phải tiếp tục nghiên cứu và nâng cấp lên phiên bản 1.3, đến nay đã là... 1.4.
Theo PGS- TS Đặng Ngọc Lệ, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học VN, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TPHCM, giới trẻ hiện nay thích sử dụng ngôn ngữ "chat" trong giao tiếp và hành văn là do tâm lý muốn mình phải khác người. Nhưng theo người viết, có rất nhiều cách để có thể "khác người" thông qua sự cố gắng rèn luyện trong học tập và lao động.
Như chàng thành niên 9X Lê Quang Liêm có vẻ ngoài không @ nhưng lại là Đại Kiện tướng quốc tế. Như vậy đâu cần phải đi xe @, nói ngôn ngữ @, mua hàng hiệu @ là có thể khác người và để giành lấy cái vị nể của thói đua đòi theo kiểu "công tử Bạc Liêu"?
Như vậy liệu có mất gốc? Câu hỏi đó chắc chắn sẽ ám ảnh nhiều nhà ngôn ngữ học Việt Nam có tâm huyết trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong bối cảnh ngôn ngữ @ bủa vây đời sống xã hội.
Về một "vấn đề" đã qua
Nếu ngôn ngữ "tuổi teen" và việc sử dụng khập khiễng ngôn ngữ ngoại lai là một bằng chứng cho thực tế tiếng Việt đang "bị bụi bám" thì một vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cũng đã phát sinh và tạo nên cuộc tranh luận sóng gió trong dư luận thời gian vừa qua.
"Vấn đề" đó là Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD và ĐT đã soạn thảo Thông tư hướng dẫn sử dụng tiếng Việt trong máy tính và hệ thống giáo dục quốc dân, trong đó có việc thêm bốn chữ cái vào tiếng Việt.
Từ g9 được giới trẻ hiểu ngầm là Good night. Nhưng nếu phân tích thì nó lại là một từ viết tắt không chính xác và khá... khôi hài. Bởi g thì có thể là good nhưng 9 thì nào có phải là night (bởi 9 là nine).
|
Theo Tiến sĩ Lê Vinh Quốc, bốn chữ "ngoài luồng": F, J, W và Z dù không có tên trong bảng chữ cái tiếng Việt (gồm 29 chữ) vẫn được xã hội sử dụng thường xuyên và ngày càng được trọng dụng. Và do đó, vấn đề chuẩn hóa bảng chữ cái tiếng Việt đã được đặt ra "một cách cấp bách, để việc sử dụng các chữ cái đó trở nên hoàn toàn thỏa đáng".
Giải pháp khả thi, theo Tiến sĩ Lê Vinh Quốc là phải "bổ sung bốn chữ F, J, W, Z vào bảng chữ cái hiện hành. Sau đó sẽ từng bước xem xét về những tác dụng mới của bốn chữ này". Tuy nhiên, một số ý kiến lại cho rằng không nên thêm bốn chữ cái này vào bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "bảng chữ cái là thể hiện cách phát âm Việt Nam, không thể bổ sung bất cứ cái gì được. Bổ sung W vào đây thì phát âm thế nào? Một khi đã thêm vào thì phải có sự phân công nhiệm vụ các chữ cái này. Nếu chữ "F" thay "PH" thì sửa hết sách? Mà Thông tư là văn bản quy phạm pháp luật phải theo".
Còn bạn đọc Phạm Trinh của báo Tuổi Trẻ thì viết: "Bản thân tôi cũng là thế hệ cuối 8X. Không phải tôi cổ hủ hay không chịu tiếp thu cái mới, nhưng thêm làm gì khi cách phát âm của bốn chữ cái đó đều có thể dùng bảng chữ cái cũ để diễn đạt. Thêm các chữ cái kia vào là một việc vẽ vời mất thời gian, tốn tiền để chỉnh sửa bảng chữ cái đang rất VN thành một thứ lai căng, rồi phải in lại sách và những hiệu ứng domino khác gây khó khăn cho giáo dục".
Nếu thêm F, J, W, Z vào bảng chữ cái thì tiếng Việt liệu có bị nhùng nhằng? Và ngôn ngữ teen sẽ có thêm "đất dụng võ" trong hành văn, gây ra sự náo loạn trong giao tiếp bằng chữ viết? Những băn khoăn này các nhà ngôn ngữ học và những giới chức liên quan không thể không tính đến trong chiến lược lâu dài. Bởi nếu hội nhập kinh tế mà hòa tan văn hóa thì vị thế người Việt sẽ ở đâu trong cái thế giới vốn không có điểm chung này?
Cũng may, là sau những sóng gió kiểu đó, là... trời yên biển lặng!
Đăng nhận xét