Cá trắm là loại cá nước ngọt, giàu dinh dưỡng, thịt mềm, là thực phẩm rất được ưa chuộng. Cá trắm có hai loại: trắm trắng và trắm đen. Cá trắm trắng còn gọi là trắm cỏ vì sống bằng ăn cỏ. Trong 100g cá trắm có khoảng 18g chất đạm; 4,3g chất béo; 36mg canxi... Chất béo trong cá trắm rất tốt cho tuần hoàn máu và tim mạch. Cá trắm còn có tác dụng chống lão hóa, giúp sáng mắt.
Theo Đông y, cá trắm trắng có vị ngọt, tính ôn, bổ khí huyết, bổ tỳ âm, trị tỳ vị hư hàn, ăn uống kém, người gầy yếu mệt mỏi, khí hư nhược. Có tác dụng bình can, khử phong, trị tê, sốt rét, hư lao, đau đầu. Sau đây là một số món ăn - bài thuốc từ cá trắm trắng, bạn đọc có thể tham khảo.
Trị người yếu bị cảm gió lạnh: Người bệnh có triệu chứng đau đầu, ngạt mũi, đau mình mẩy: dùng thịt cá trắm 150g, nước nửa bát, đun sôi rồi cho gừng, rượu vào, hầm 30 phút, nêm gia vị là được. Ăn nóng rồi nằm đắp chăn cho ra mồ hôi là khỏi.
Tỳ vị hư hàn, bụng lạnh đau không muốn ăn : cá trắm trắng 250g, sa nhân 6g, gừng sống 6g. Ninh kỹ, ăn cá uống canh, bỏ bã.
Cảm nắng, viêm phế quản, khô họng, ho nhiều đờm vàng đặc, tiểu vàng đỏ sẻn:
cá trắm trắng 120g, mướp 500g, gừng tươi 3 lát. Cá thái miếng ướp gừng muối. Mướp xào chín nêm gia vị rồi cho cá vào đảo vừa chín tới. Ăn với cơm.
Huyết áp tăng, nhức đầu chóng mặt: thịt cá trắm 150g, thái miếng, bột sắn dây 30g, nước vừa đủ, nấu súp đặc, nêm gia vị. Ăn liền trong 1 tuần.
Hoặc dùng cá trắm trắng 200g (lấy phần đuôi), bí đao 200g. Rán cá rồi cho nước bí đao vào hầm nhừ, nêm gia vị là được. Ăn 2 ngày liền.
Người mới ốm dậy, suy nhược, khí huyết không đủ: cá trắm trắng 200g, hoàng kỳ 25g, đương quy 12g. Nấu canh, ăn cá, uống nước, bỏ bã.
Theo Lương y Minh Chánh (Báo SK&ĐS)
Đăng nhận xét