Để có một mẻ rượu ngon thì khâu quan trọng đó là người nấu rượu phải có nguyên liệu và men ủ tốt và phải qua nhiều công đoạn, thời gian. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện nhiều loại men bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc với lời đồn có thể rút ngắn thời gian ủ rượu, cho ra lượng rượu nhiều hơn so với men truyền thống… Không ít cơ sở nấu rượu đã lựa chọn loại men này như một giải pháp hữu hiệu để “lợi cả đôi đường”.
Khó phân biệt được men rượu Tàu và men rượu truyền thống. |
Lấy lý do gia đình chuẩn bị tổ chức đám cưới cần gấp một số lượng rượu lớn, theo chân một đầu mối chuyên bán “sỉ” mặt hàng này, chúng tôi được đưa tới xưởng chế rượu của một gia đình tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). Gọi là “xưởng” cho oai chứ thực tế cơ sở nấu rượu này có mặt bằng sản xuất chỉ vẻn vẹn trong hơn chục mét vuông nhưng được nhồi nhét đủ các thiết bị lỉnh kỉnh phục vụ việc chế biến và sản xuất rượu.
Biết tôi có ý định lấy hơn trăm lít rượu để phục vụ công việc gia đình, ông chủ nhà tiếp đón khá niềm nở. Trong câu chuyện, ông vừa đảo cơm phơi trên mẹt vừa nói: Rượu gia đình tôi làm có tiếng rồi, phần lớn đổ buôn cho các nhà hàng. Đặt bao nhiêu cũng có, nồng độ nào cũng chiều! Khi được hỏi về quy trình làm rượu, ông chủ nhà không giấu giếm: Nói chung việc nấu rượu chẳng có gì khó cả! Cứ nấu gạo thành cơm, cho thêm men vào ủ, rồi đưa lên bếp thổi, từng giọt rượu sẽ chảy ra.
Bây giờ nấu rượu muốn có lãi thì phải dùng bột men Tàu. Chỉ cần dùng một gói men 1kg với giá 45.000 đồng trộn vào 100kg gạo sẽ chế ra được từ 180 - 200 lít rượu. Hiệu quả kinh tế gấp nhiều lần so với cách làm truyền thống. Ông chủ nhà còn hả hê, dùng men bột của Tàu để lên men rượu nhanh hơn rất nhiều so với dùng bánh men truyền thống (Công đoạn từ gạo thành rượu chỉ mất 7-10 ngày, trong khi dùng men truyền thống phải mất 12-15 ngày).
Rượu được chế bằng men truyền thống có màu đục so với men Tàu cho ra thứ rượu trong vắt. Uống rượu men Tàu có vị nồng gắt, khó uống. Theo ông chủ, hai loại rượu này cùng có nồng độ 45 độ, song nếu lấy rượu ủ bằng men Tàu ta có thể đốt cháy rực, ngọn lửa màu xanh lét. Thấy tôi có vẻ lo ngại, ông chủ động viên: Chú cứ yên tâm, bây giờ nấu rượu ở đâu chẳng thế, phải dùng men Tàu mới có lãi. Nếu chú muốn rượu nấu từ men truyền thống thì phải đợi 2 tháng nữa mới đủ nấu cho chú cả trăm lít!
Cơ sở nấu rượu với thiết bị thô sơ và nhếch nhác. Ảnh: PV |
Thực tế thời gian gần đây tại các khoa chống độc trong các bệnh viện liên tiếp ghi nhận những trường hợp bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng ngộ độc rượu. Trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức - giảng viên Trường ĐH Y dược TP.HCM được biết, trong quy định ngưỡng cho phép thành phần methanol có trong rượu phải nhỏ hơn 0,1% (nghĩa là trong 1.000ml rượu chỉ có dưới 1ml methanol). Mỗi người, tùy thể trạng chỉ cần hấp thu dần đến mức 7ml methanol là có thể gây ra tình trạng hôn mê và dẫn đến tử vong.
Như vậy, với loại rượu sử dụng các loại men không rõ nguồn gốc được bán trôi nổi trên thị trường, không loại trừ khả năng có hàm lượng methanol trong rượu vượt hàm lượng cho phép. PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức phân tích, nếu trong rượu có hàm lượng methanol 5,6%, thì uống khoảng 1,25 lít rượu loại này đã đủ gây hôn mê và tử vong, chưa kể quy trình nấu rượu này còn để lại nhiều tạp chất có hại cho sức khỏe.
Cuối năm, thị trường rượu sẽ rất sôi động, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát mặt hàng này. Chính quyền địa phương cần có những biện pháp nhằm thắt chặt quản lý việc nấu rượu tự phát tại các hộ gia đình trên địa bàn.
Qua thống kê, trong thời gian gần đây, các vụ ngộ độc do rượu đã liên tiếp diễn ra trên địa bàn cả nước. Mới đây nhất, vào ngày 15/11, BVĐK An Giang đã tiếp nhận 4 ca ngộ độc rượu, nhập viện trong tình trạng hôn mê. BV đã kịp thời tiến hành cấp cứu, cho thông đường hô hấp, chống hạ đường huyết, tạm thời các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Trước đó, ngày 19/10 trong một đám cưới tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, một vụ ngộ độc rượu đã khiến gần 40 người phải nhập viện cấp cứu, 2 người tử vong. Đặc biệt là 2 vụ ngộ độc liên tiếp cũng với nguyên nhân do rượu xảy ra ngày 12-14/10 tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng làm 8 người phải đi cấp cứu, trong đó có 3 người tử vong. Nguyên nhân ban đầu của các vụ ngộ độc rượu được đưa ra đó là do sử dụng rượu trôi nổi, không nguồn gốc xuất xứ, nhất là rượu có nồng độc methanol cao đã gây ra hầu hết các vụ ngộ độc cấp tính, nặng là tử vong. |
Báo Sức khoẻ & Đời sống
Đăng nhận xét