Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 65 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, trong đó không ít quy định gây "sốc" cho người dân.
Điểm mới nhất trong Thông tư thu hút sự quan tâm của dư luận chính là cho phép lực lượng CSGT mặc thường phục giám sát, ngăn chặn, đình chỉ hoạt động của phương tiện vi phạm. Chưa cần biết hiệu quả sẽ đến đâu nhưng người dân đang thấp thỏm lo lắng cho quyền tự do đi lại của mình. Không những thế, nhiều người cho rằng, khi vào thực hiện, xung quanh quy định này sẽ nảy sinh rất nhiều hệ lụy xấu. Thậm chí, nó tạo "kẽ hở" cho kẻ gian lợi dụng thực hiện hành vi bất chính.
Quy định "mơ hồ"
Thời gian, qua, để giải quyết "vấn nạn" giao thông, cơ quan chức năng đã "chữa cháy" bằng việc liên tiếp đưa ra nhiều phát kiến gây "sốc". Nhiều ý tưởng "trên trời" nhanh chóng được cụ thể hoá bằng những văn bản mới "toanh" để cải tạo thực tế "rối như tơ nhện" đang khiến dư luận "sôi máu". Trong khi, vấn đề xe chính chủ chưa ngã ngũ, mới đây bộ Công an "bồi" thêm Thông tư 65 góp phần tạo nên cơn sóng "sốc toàn tập" trong những ngày qua.
Những nội dung mới trong Thông tư này khiến người dân "vắt óc" vẫn chưa thể hiểu được vì đâu Bộ Công an lại "đẻ” ra chuyện cho phép CSGT hoá trang tuần tra. Người dân hốt hoảng khi liên tưởng đến viễn cảnh đột ngột bị chặn đường. Thậm chí, lực lượng CSGT không chỉ hoá trang tuần tra mà có quyền ngăn chặn đình chỉ phương tiện vi phạm.
Theo lý luận từ phía cơ quan chức năng, việc làm này mục đích giúp tăng cường hiệu quả công tác phát hiện và xử phạt của CSGT góp phần kiểm soát vấn nạn giao thông hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm của nhiều người cho rằng, lỗi vi phạm giao thông dễ nhận biết, diễn ra ngang nhiên không cần thiết áp dụng nghiệp vụ hoá trang. Thậm chí, nếu trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt đã có lực lượng liên ngành khác hỗ trợ. Do đó, việc tăng quyền hạn cho CSGT là không cần thiết. Thậm chí họ cho rằng đây là quy định vô lý, thiếu căn cứ thực tiễn và mang đến hệ lụy xấu.
Xung quanh vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu, phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM nhận định: "Theo tôi, mục đích, ý tưởng ban hành quy định này là tốt, nhằm hạn chế, phòng chống các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, chúng ta cần xem xét tính phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và tính khả thi, tác động của quy định tới xã hội và đời sống của người dân. Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định việc xử lý vi phạm hành chính phải được tiến hành nhanh chóng, công minh.
Việc quy định CSGT mặc thường phục được phép yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe khi có vi phạm có lẽ chưa phù hợp với nguyên tắc trên. Mặt khác, về tính khả thi của quy định, tôi cho rằng trong quá trình thực hiện có khả năng sẽ phát sinh nhũng nhiễu, biến tướng và tác động xấu tới đời sống người dân".
Lo ngại tiêu cực khi CSGT được phép hóa trang làm nhiệm vụ.
Đồng quan điểm, luật sư Đoàn Minh Đức, giám đốc Công ty Luật IPIC (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: "Không thể xem hành vi vi phạm giao thông là tội phạm nên không thể áp dụng biện pháp kiểu hình sự với người dân". Luật sư Đức cho rằng, việc CSGT hoá trang bắt phương tiện giao thông là ý tưởng khó chấp nhận. Điều này vi phạm quyền tự do đi lại của công dân. Không những thế, căn cứ nào đảm bảo được đâu là CSGT "chuẩn", đâu là cướp giả danh.
Theo nhiều luật sư, không chỉ phản đối việc tăng quyền hạn cho CSGT trong việc hoá trang mà ngay cả những quy định cụ thể về chức năng quyền hạn phản ánh trong Thông tư quá "hổng". Luật sư Đoàn Minh Đức lập luận: "Thông tư 65 không nêu cụ thể trường hợp nào CSGT có quyền ngăn chặn, đình chỉ. Nếu xét trên khía cạnh một văn bản pháp luật thì không thể hoàn chỉnh. Dựa vào văn bản trên không ai có thể biết trường hợp CSGT hoá trang có quyền và không có quyền ngăn chặn, đình chỉ phương tiện giao thông lưu hành".
Thêm "đất sống’ cho "mãi lộ", nhũng nhiễu
Theo lý giải của lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội (Bộ Công an), bộ phận CSGT hóa trang và công an công khai phải giữ một khoảng cách thích hợp để luôn có sự phối hợp chặt chẽ nhằm bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời. Lực lượng CSGT hóa trang có thể trực tiếp ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm nhưng phải sử dụng giấy tờ chứng minh là công an nhân dân để thông báo cho người vi phạm biết về việc thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phải thông báo về hành vi vi phạm, yêu cầu người vi phạm về trụ sở để giải quyết hoặc thông báo cho lực lượng tuần tra công khai đến tiếp nhận, xử lý.
Luật sư Nguyễn Duy Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, quy định như vậy nghiễm nhiên thừa nhận trong mọi tình huống CSGT mặc thường phục đều có quyền ngăn chặn hoặc đình chỉ lưu hành phương tiện giao thông. Theo vị luật sư này, việc bất ngờ dừng phương tiện của người dân trong khi hoá trang làm nhiệm vụ mà không tính đến những phiền toái, thậm chí thiệt hại mang đến cho dân là không công bằng. Đó là chưa kể một số cán bộ lợi dụng lỗ hổng trong quy định và lạm dụng chức quyền sách nhiễu người dân.
Chính vì vậy, trường hợp CSGT mặc thường phục yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe thì người đi đường, người dân xung quanh khó có thể giám sát được. Đặc biệt trong trường hợp người dân đang vội hoặc sợ trễ giờ làm việc, không thể chờ CSGT mặc cảnh phục tới lập biên bản hoặc đưa xe về trụ sở thì khả năng áp dụng biện pháp "linh hoạt" với CSGT là dễ xảy ra.
Rõ ràng, những "hiệu ứng phụ" khi áp dụng chủ trương mới này hoàn toàn có thể xảy ra và nằm ngoài dự đoán của cơ quan ban hành pháp luật. Bản thân thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (bộ Công an) cũng cho biết, chỉ trong trường hợp thực sự cần thiết CSGT hóa trang mới được phép dừng xe để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ông Tuyên cũng nhìn nhận mức độ như thế nào để yêu cầu người dân dừng xe phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của các chiến sĩ CSGT.
Chính sự mơ hồ trong Thông tư này khiến nhiều người băn khoăn về những hệ lụy xấu có thể xảy ra khi quy định được triển khai.
Dễ sinh tiêu cực,nên tính phương án khả thi khác
Phó chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM Nguyễn Văn Hậu cho rằng, quy định cho phép CSGT được quyền hóa trang là không cần thiết và có nguy cơ phát sinh tiêu cực, nhất là trong điều kiện trình độ, tâm lý của người dân nước ta hiện nay. Thay vì chúng ta tổ chức lực lượng, kinh phí để duy trì lực lượng CSGT "ngầm" thì chúng ta có thể dành kinh phí, nhân lực đó cho việc tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý triệt để các vi phạm giao thông xảy ra. Việc này sẽ mang tính khả thi cao hơn. |
Đăng nhận xét