Rượu Vọc cất từ nước buồn muôn thuở
Nhấp một lần trời đất ngả nghiêng say
Làng Vọc nằm cuối huyện Bình Lục, cái rốn của Hà Nam nên mệnh danh là vùng đất “chiêm khê mùa thối”, quanh năm ngập nước. Trải qua bao thăng trầm, có thời kỳ nấu rượu bị coi là bất hợp pháp, đến thời kinh tế mở cửa, lương thực dồi dào, làng nghề dần được khôi phục và phát triển. Rượu Vọc vào Nam lên ngược, chẳng những được tiêu thụ trong nước, mà đã có mặt ở nước ngoài và là món quà quý cho du khách nước ngoài, Việt kiều mỗi khi về thăm quê
Cầm chai rượu Vọc trong veo, chỉ cần mở nút hoặc lắc nhẹ, những bọt rượu chạy quanh chai, bám đậu chặt với nhau để tỏa ra một hương thơm kỳ thú... Tương truyền, từ thế kỷ XIII, trên dòng Ninh Giang, thuyền rồng của nhà Vua, thuyền buôn của các “chú Khách” thường xuyên về làng Vọc chở gạo, chở rượu đi giao dịch thập phương. Rượu làng Vọc đã “theo chân” thương nhân vào đến xứ Thanh, xứ Nghệ, lên xứ Lạng, Lào Cai, rồi được cung tiến dâng Vua ngự lãm. Rượu làng Vọc thơm nức mùi hương gạo, có vị đậm đà, ngọt lịm mà không say. Rượu Vọc ngon như thế bởi không chỉ được làm bằng men ta gồm 36 vị thuốc Bắc (như sâm, quy, truật, thược...) nấu với gạo nếp, mà còn nhờ thiên nhiên ưu đãi cho nguồn nước đặc thù kết hợp với kỹ thuật nấu cổ truyền tạo nên bản sắc riêng. Công đoạn làm rượu rất công phu, phải qua 11 bước và khâu quan trọng nhất là chế biến men. Chỉ có một số người trong làng là học và làm được men thơm, ngon giữ được đúng hương vị đặc trưng của rượu làng Vọc. Úp men 2-3 ngày, tùy theo nhiệt độ ngoài trời, chờ “men dậy” mới được mở. Khi đưa vào nấu rượu, gạo được “trình cối” hoặc sát chuội thổi thành cơm để đảm bảo không ướt dính, không khô quá rồi vào men, cho vào cong để ủ. Chờ khoảng 2 ngày, khi có nước mọng mới được đổ nước, sau 2 đêm nữa là có thể đun được. Nồi nấu rượu chỉ gồm có nồi đồng vấu tầu, máng gỗ, còi tre.
Có được loại rượu đặc biệt này còn nhờ rượu thuốc Bắc được ngâm dưới ao 3 năm liền, lấy tinh khí của trời đất, uống vào thấy sảng khoái, tâm hồn vui vẻ, bồi bổ sức khỏe. Hơn nữa, nhờ ngâm ủ lâu đã khử hết được khí Andrehit và các độc tố trong rượu, đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
Rượu Vọc không sản xuất chạy theo lợi nhuận để luôn đảm bảo chất lượng và uy tín là nhờ tôn chỉ của làng: không ham rẻ, không chạy theo lợi nhuận, giữ lấy chữ tâm của người làm nghề. Làng có một quy ước ngầm, nhưng lại được thực hiện hết sức nghiêm túc, đó là người làng Vọc không mua rượu và men nơi khác về để nấu rượu Vọc. Có lẽ vì thế mà làng Vọc là một trong số không nhiều làng nghề nấu rượu vẫn giữ được hương vị riêng, không pha tạp. Làng đã có những biện pháp như xây dựng Hương ước, Quy định của làng nghề; Thành lập Ban kiểm tra chất lượng hàng hóa của làng nghề... Bằng kinh nghiệm gia truyền cùng với sự trợ giúp của thiết bị hiện đại, kiểm tra chất lượng trước khi xuất ra thị trường, đảm bảo sản phẩm làng Vọc vừa có yếu tố hiện đại nhưng vẫn giữ được nét truyền thống dân gian.
Đăng nhận xét