ĐTDĐ 2 Sim, hàng hiệu 'truy điệu' hàng Tàu

Sau thời gian bùng nổ của các dòng máy điện thoại 2 SIM 2 sóng nguồn gốc trôi nổi, giờ đây có vẻ như các thương hiệu lớn đang tạm thời thắng thế trên mặt trận bình dân này.
Hàng Trung Quốc ‘thoái vị’
Có một định nghĩa thú vị trong giới di động là "cứ điện thoại nào nhiều chức năng, 2 SIM 2 sóng trở lên thì chắc chắn là... điện thoại Tàu". Đó chính là một định nghĩa phản ánh thị trường di động đa SIM trong suốt các năm từ 2011 trở về trước.
Sự thống trị của các dòng điện thoại 2 SIM có xuất xứ không rõ ràng từ Trung Quốc hay thậm chí là của những nhãn điện thoại Việt ruột Tàu đã ghi một dấu ấn đậm nét lên tiềm thức người dùng di động khi có nhu cầu sử dụng điện thoại 2 SIM.
Thôi thì thượng vàng hạ cám, từ những chiếc điện thoại "cùi bắp" có giá chưa đến 600 ngàn cho đến những chiếc điện thoại "nhái" Vertu, Goldvish, Apple iPhone có giá vài triệu/máy đều được tích hợp 2 SIM 2 sóng và thậm chí là cả tính năng bắt truyền hình analogue.
Anh Thế Quang, khách hàng từng mua điện thoại 2 SIM cho biết: "Lúc mới đầu mình thấy hay hay, kiểu dáng khá bắt mắt nên mua về dùng. Lâu lâu đi đâu bật lên xem VTV3 cũng vui vui. Nhưng dùng được một thời gian thì chất lượng tệ hại quá sức tưởng tượng nên đành phải quay về nghiệp '2 tay 2 súng' chứ không dùng máy 2 SIM này được nữa".
Chất lượng tệ hại mà anh Quang nói đến ở đây chính là việc linh kiện gia công kém, máy nhanh hỏng hay lỗi vặt với những trục trặc từ phần mềm tới phần cứng suốt quá trình sử dụng.
Chị Bích Hoa, một khách hàng từng mua điện thoại 2 SIM thương hiệu Việt cho biết: "Chiếc máy mình mua có hình thức y chang Nokia 8800 nên lúc đầu thích lắm vì vừa 2 SIM 2 sóng, vừa kiểu dáng đẹp. Dùng một thời gian thì mới phát sinh đủ thứ. Nào là GPRS chập chờn, truy xuất mục tin nhắn thì chậm hơn rùa nếu lưu quá nhiều tin, thường xuyên máy bị khởi động lại không rõ nguyên nhân... Đem đi bảo hành thì họ cũng chỉ xem qua loa rồi trả lại. Đợt trước tịt hẳn, mình gửi lại hãng thì được báo là giờ hàng này không sản xuất nữa, đề nghị mình... đổi máy khác. Chán, thế là bỏ luôn".
Trường hợp chị Hoa là còn mua máy chính hãng, có bảo hành nhưng còn nhiều trường hợp khác mua máy tại các shop - vốn nhập từ nguồn hàng trôi nổi của Trung Quốc về bán và bảo hành theo danh nghĩa cửa hàng thì khi gặp sự cố máy hỏng, khách hàng là người lãnh quả đắng vì chẳng biết bắt đền ai.
Điều đáng nói là, mẫu mã và chức năng của các dòng máy 2 SIM 2 sóng Tầu này đều rất phong phú và đa dạng so với mức giá. Ví dụ, chỉ trên dưới 1 triệu là người dùng có ngay chiếc điện thoại y hệt iPhone với màn hình cảm ứng, 2 SIM, xem Tivi, nghe nhạc và thậm chí bộ nhớ trong quảng cáo lên tới 32GB.
Tuy nhiên, theo anh Duy Hoàng, từng là "nạn nhân" của các dòng máy này thì: "Chỉ lừa được 'gà' chứ bây giờ ai cũng tẩy chay dòng máy này hết rồi".
Máy 2 SIM chính hãng - ổn và chưa ổn
Sau sự lên ngôi và thoái lui một cách chóng vánh của những chiếc điện thoại Tàu 2 SIM, từ năm 2011, hàng loạt các thương hiệu di động nhảy vào cuộc chơi thuộc phân khúc này.
Những cái tên như LG, Nokia, Samsung, Motorola lần lượt gia nhập thị trường bằng những dòng máy giá rẻ, nhiều chức năng và tất nhiên đi kèm với chương trình tặng SIM hay tặng quà, bảo hành uy tín.


Điện thoại 2 SIM thương hiệu lớn cũng khá chật vật tại thị trường bởi lượng cầu không còn cao. 
Đáng ngạc nhiên là, với mức giá chỉ từ 700 ngàn đồng đến hơn 4 triệu đồng, khách hàng có rất nhiều lựa chọn cho các điện thoại 2 SIM 2 sóng chính hãng từ những dòng máy phổ thông cho tới thậm chí là smartphone Android, bàn phím QWERTY, WiFi...
Thực tế cho thấy là, dù đã nỗ lực trong việc tung ra các mẫu mã di động 2 SIM 2 sóng mới nhưng dường như các hãng lớn hoặc đã chậm chân trong cuộc chơi của xu thế, hoặc thị trường đã không còn hào hứng với phân khúc này.
Theo ghi nhận của VietNamNet từ phía khách hàng, phản hồi với một số dòng điện thoại 2 SIM giá rẻ chính hãng không được tốt ở chất lượng máy. Anh Sơn, khách hàng mua máy Nokia X1-01 cho biết: "Lúc đầu mua vì thấy máy rẻ rẻ, có thể nghe nhạc nhưng dùng một tháng thì thấy máy hay bị lỗi mất sóng, khởi động lại nguồn, phải gửi bảo hành. Tham khảo nhiều nơi cũng thấy phản hồi tương tự. Vậy là bỏ luôn máy".
Một số dòng máy cảm ứng của Samsung hay Motorola thì lại có hiệu năng pin kém, khiến thời lượng dùng chỉ được khoảng 2 ngày nếu khách gắn 2 SIM và đây chính là điểm gây phiền phức với những khách hàng có lưu lượng thoại nhiều trong ngày.
Thêm một thực tế khác khiến điện thoại 2 SIM nói chung và 2 SIM chính hãng nói riêng "thất sủng" trong cuộc đua lấy lòng người dùng bởi cái thời SIM rác dùng thay thẻ cào đã gần như cáo chung bởi chính sách của nhà mạng cũng như việc siết chặt từ Bộ Thông Tin Truyền Thông khiến người dùng không còn mấy mặn mà.
Thống kê thị trường di động năm 2011, 62% thị phần vẫn thuộc về các dòng điện thoại tầm trung bình thấp từ 500 ngàn đến 2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong danh sách các dòng máy bán chạy nhất thì điện thoại 2 SIM không chiếm ưu thế.
Đây cũng là lý do các nhà sản xuất chính hãng cũng không muốn mạnh tay đầu tư vào phân khúc này. Rõ ràng thị phần điện thoại 2 SIM ở Việt Nam đã dần rơi vào ngưỡng bão hoà cũng như độ cầu của thị trường đã bị tác động bởi nhiều yếu tố.
Một đại diện truyền thông thương hiệu di động chính hãng tiết lộ, kế hoạch trung hạn trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2015 sẽ tập trung vào các dòng máy smartphone và điện thoại nghe nhạc giá rẻ và sẽ giảm dần rồi rút hẳn khỏi phân khúc điện thoại 2 SIM sóng.
Theo Vietnamnet

Đăng nhận xét

/