Rượu thuốc là một dạng thuốc được sử dụng trong YHCT với mục đích để điều trị một chứng bệnh nào đó. Rượu thuốc được sử dụng dưới 2 cách.
Cách thứ nhất là rượu thuốc dùng ngoài, với mục đích để trị các chấn thương, té ngã gây đau đớn, bầm tím cơ nhục. Với cách này người ta thường sử dụng những vị thuốc có tính cay nóng, hoạt huyết, giảm đau, như quế nhục, ô đầu, mã tiền, huyết đằng, địa liền… đôi khi dùng mật động vật, như mật gấu…để xoa bóp vào những chỗ chấn thương. Với cách làm này cũng đưa lại những kết quả rất khả quan.
Cách thứ hai là dùng rượu thuốc dưới dạng ngâm để uống trong, ví dụ để trị phong thấp, đau xương cốt, đau lưng gối, đau cơ nhục người ta dùng “rượu bổ huyết trừ phong”, gồm các vị thuốc cẩu tích, ngũ gia bì, tang chi, ngưu tất, hà thủ ô đỏ, thiên niên kiện, hoàng tinh, thổ phục linh, huyết giác, tục đoạn, hy thiêm, kê huyết đằng. Hoặc dùng các loại rượu để bổ thận dương, tăng cường sinh lực, như ngâm rượu với tắc kè, ba kích, hà thủ ô đỏ, hoặc cá ngựa với ba kích, trần bì… Để bổ khí, bổ cơ thể có thể ngâm rượu với nhân sâm, lộc nhung… Mặc dù với những vị thuốc mang tính chữa bệnh và bồi bổ như vậy song việc sử dụng chúng cũng cần theo chỉ dẫn về liều lượng, cách dùng mới phát huy được hiệu quả trị liệu và tránh được những tác dụng không mong muốn cho người dùng.
Ngay việc ngâm rượu thế nào để thu được nhiều hoạt chất cũng phải căn cứ theo những quy trình cụ thể, như việc chế biến đúng quy cách của các vị thuốc trước khi đem ngâm. Rồi đến loại rượu và nồng độ của rượu đem ngâm cũng cần phải hết sức chú ý.
Cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai. |
Một số người coi rượu thuốc như một đồ uống thông thường nên đã sử dụng tùy tiện, không theo hướng dẫn sử dụng, lúc nào thích là đem ra uống, hoặc đem ra uống với bạn bè đến say túy lúy. Điều đó là không tốt, đôi khi gây hại cho bản thân. Vì ngay trong rượu thuốc, đôi khi cũng có những thành phần, nếu vượt quá giới hạn của nó cũng có thể đưa lại những tác dụng không mong muốn cho người dùng. Đã có những người lấy loại “rượu dùng ngoài” để uống và cũng đã bị ngộ độc. Vì bản thân rượu dùng ngoài thường chứa các thành phần có tác dụng giảm đau mạnh (aconitin) trong ô đầu, strychnin trong mã tiền… đều là những thành phần gây độc mạnh cho cơ thể.
Ngâm rượu từ mật động vật
Trong thực tế có một số loại mật động vật có thể sử dụng để làm phụ liệu chế biến thuốc. Ví dụ mật trâu, mật bò, mật lợn dùng để chế biến vị thuốc thiên nam tinh cho ta vị đởm nam tinh dùng trong y học cổ truyền. Mật lợn phối hợp với bách bộ để trị ho lâu ngày. Với mục đích trị đau nhức xương khớp, tê mỏi cơ nhục, người ta dùng mật gấu hoặc mật rắn (rắn hổ mang, rắn ráo, rắn cạp nong, cạp nia…) ngâm rượu để uống. Tuy nhiên với nồng độ rất thấp. Ví dụ, sau khi chế biến rắn để ngâm rượu, mật của chúng được lấy ra, ngâm riêng vào một lọ rượu 35 - 40%, đến khi có thành phẩm rượu rắn mới đem hòa mật này vào để uống.
Về mật cá
Nhiều loại mật cá không độc, như mật cá chuối còn gọi là cá quả. Tuy nhiên lại có những loại mật cá lại có tính độc cao, có thể gây độc tính lớn thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng con người, như mật cá trắm. Cá trắm rất quý, thịt ăn ngon và bổ, song mật của nó lại rất độc. Trên thực tế những năm trước đây, Bệnh viện Bạch Mai đã có những khuyến cáo về những ca nhiễm độc thận cấp, đái ra máu sau khi uống mật cá trắm. Do vậy nếu ngâm rượu mật cá trắm để uống, bị nhiễm độc là điều dễ hiểu. Cách đây khoảng 700 năm, Tuệ Tĩnh cũng đã viết: “Cá trắm có tên gọi là thanh ngư… Mật nó có độc tính”.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra khi sử dụng các dạng rượu ngâm, trước hết nói đến các dạng rượu thuốc nói chung và rượu từ mật động vật nói riêng, không nên sử dụng tùy tiện. Nhất là những sản phẩm chưa rõ nguồn gốc cũng như chưa có kinh nghiệm trong sử dụng.
GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Báo suckhoevadoisong.vn
Đăng nhận xét