TT - Thông tin hai cơ sở sản xuất nhuộm cốm bằng chất melachite green gây hại cho sức khỏe đã khiến nhiều hộ sản xuất mặt hàng này ở làng Vòng, Mễ Trì (Hà Nội)... có nguy cơ đóng cửa vì sức mua giảm.
Sau ba ngày nghỉ làm, bà Lê Thị Cận lại tiếp tục tỉ mẩn với những công việc sản xuất cốm với quyết tâm giữ bằng được nghề truyền thống |
Thương hiệu cốm làng Vòng “dẻo thơm, ngọt đậm, mịn màng” từ bao đời nay đang lao đao vì những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Nguy cơ đóng cửa
Mấy ngày nay, không khí trong gia đình bà Nghiêm Thị Minh (70 tuổi, tổ 47, Dịch Vọng Hậu) thật nặng nề vì có nguy cơ phải bỏ nghề làm cốm của ông cha truyền lại từ bao đời nay. “Từ mươi ngày trở lại đây, cối mang ra lau đi lau lại mà chẳng buồn làm. Nghề của ông cha để lại không lẽ đến đời mình lại mất” - bà Minh nói như khóc.
Ở các thôn Vòng Hậu, Vòng Sở, Vòng Tiến, nhiều gia đình còn giữ được nghề làm cốm cũng đang mấp mé muốn bỏ nghề.
Bà Lê Thị Cận (80 tuổi, số nhà 19, ngõ Đa Lộc) - người cao tuổi nhất ở phường Dịch Vọng Hậu còn làm cốm - như đang ngồi trên đống lửa vì thông tin cốm làng Vòng có chất nhuộm màu gây ung thư. Tiếng tăm của cơ sở sản xuất cốm “Bà Cận” đã quá quen thuộc với người sành ăn ở Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên từ nhiều năm nay giờ cũng đang lao đao.
“Đau lắm, xót lắm các chú ạ. Cả một món ăn đặc sản, một nét văn hóa của người Tràng An thế mà giờ bị mang tiếng xấu vì một, hai hộ thiếu hiểu biết, làm ăn thiếu trách nhiệm” - bà Cận chua xót.
Đã đình chỉ 2 cơ sở vi phạm Đầu tháng 11, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm của TP Hà Nội đã công bố kết quả kiểm tra đột xuất các cơ sở làm cốm tại làng Vòng, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Theo đó, đoàn kiểm tra liên ngành kết luận hai cơ sở sản xuất cốm nhà ông Đỗ Văn Luyến và Nguyễn Văn Sáng (phường Dịch Vọng Hậu) đã sử dụng phẩm màu nhuộm cốm có chứa chất malachite green với hàm lượng 5,9mg/kg và 1,5mg/kg. Hàm lượng này được cho là quá cao, gây tổn hại cho cơ thể nếu hấp thụ trong thời gian dài với hàm lượng tương đối. Ông Lê Thế Tôn, phó chủ tịch Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu, cho biết ngay sau khi có kết luận kiểm nghiệm, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu đình chỉ sản xuất tại hai cơ sở vi phạm này. |
Bếp làm cốm của nhà bà Cận sau ba ngày nguội lạnh thì hai hôm nay bắt đầu nổi lửa trở lại. Bà Cận bảo dù không ai mua cũng vẫn làm vì nhớ tiếng cối giã, nhớ mùi lúa non và làm để con cháu hiểu được niềm tự hào của thương hiệu làng cốm. Con dâu của bà Cận, chị Lê Thị Dung, cũng bắt đầu mang thúng, mang mẹt ra đường Xuân Thủy để tiếp tục bán cốm.
Ông Lê Thế Tôn, phó chủ tịch Hội Nông dân phường Dịch Vọng Hậu, cho biết cả làng Vòng chỉ có khoảng 20 gia đình còn gắn bó với nghề làm cốm. Theo ông Tôn, sự việc xảy ra đã gây hoang mang dư luận, khiến nhiều nhà làm cốm rơi vào cảnh điêu đứng. Ông Tôn cho biết làm cốm ở làng Vòng chủ yếu ở cuối độ tuổi lao động, xuất thân từ nông dân nên giờ không làm cốm cũng chẳng biết làm gì.
“Một số người thiếu hiểu biết đã góp phần “giết chết” một làng nghề” - ông Tôn bức xúc.
“Giải oan” cho làng cốm
Ông Lê Thế Tôn cho rằng sự việc xảy ra một phần do các cơ quan chức năng chưa hướng dẫn cụ thể nên một vài hộ thiếu hiểu biết đã “vô tình” vi phạm, dẫn đến mang tiếng oan cho cả làng.
Theo ông Tôn, ngay sau khi sự việc xảy ra, UBND P.Dịch Vọng Hậu phối hợp cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP đã có buổi họp với các hộ làm cốm để hướng dẫn, phổ biến kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân.
“Các hộ sản xuất đã ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nguyên liệu và trong quá trình sản xuất cốm” - ông Tôn nói.
Với kinh nghiệm làm cốm gần 60 năm, bà Lê Thị Cận khẳng định cốm làng Vòng loại một hoàn toàn là cốm “sạch”, có màu tự nhiên chứ không thể nhuộm thực phẩm màu công nghiệp được. Theo bà Cận, cốm làng Vòng được làm từ nếp non trồng trên những khu đất màu ở Sóc Sơn, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... để có mùi thơm và vị ngọt của sữa. Bà Cận cho biết cốm loại một là cốm đầu nia, hạt mỏng, dẻo, dính nên hòa phẩm với nước vẩy vào sẽ bị nát, không ăn được.
“Phẩm chỉ được dùng nhuộm màu cho cốm khô để làm bánh. Những người dân trong làng đều mua thực phẩm màu được phép dùng ở Hàng Buồm. Hai cơ sở sai phạm vừa rồi là do thiếu hiểu biết nên gây tiếng xấu cho cả làng” - bà Cận quả quyết.
Ông Tôn cũng cho biết thêm UBND phường Dịch Vọng Hậu đang lên kế hoạch mở các lớp tập huấn thường xuyên cho bà con nông dân. “Chúng tôi sẽ làm mạnh và chặt hơn, hằng tháng, hằng năm sẽ đi kiểm tra, hướng dẫn bà con. Nếu hộ nào vi phạm, chúng tôi sẽ đề nghị tước giấy phép sản xuất để không ảnh hưởng đến thương hiệu của cả một làng nghề có truyền thống lâu đời” - ông Tôn nói.
Đăng nhận xét